08 3940 1781 - 08 3940 1734

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Chớ vội mừng khi trẻ to cao vượt chuẩn

'Bé nặng mấy ký','Bé cao bao nhiêu?' là câu hỏi thường gặp và được xem như thước đo thành bại trong việc nuôi con nhỏ của phụ huynh.


Vì vậy, khi chiều cao, cân nặng của trẻ phát triển vượt chuẩn, cha mẹ nào cũng hân hoan. Tuy nhiên, chính những trẻ như vậy lại có nguy cơ thiếu dinh dưỡng và mắc nhiều bệnh lý.

Càng cao, càng dễ đau cơ - xương


Chị Lê Thị Phương (ở chung cư Lê Thành, P. An Lạc, Q. Bình Tân) than: 'Con tôi bốn tuổi, nửa năm nay tối ngày cứ kêu la nhức chân, hôm nào chạy chơi nhiều thì tối khóc bắt mẹ phải bóp chân. Tôi đưa cháu đi kiểm tra xương khớp thì bác sĩ (BS) bảo bình thường, không viêm, không sưng. Tôi lo quá không biết bé bị bệnh gì?'.

Mãi gần đây, chị đưa con đến Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khám mới phát hiện bé bị đau cơ do tăng trưởng và thiếu canxi. Một trong những lý do khiến con của chị Phương thiếu canxi là bé quá cao so với tuổi, mới bốn tuổi nhưng bé đã có chiều cao đến 119cm - là chiều cao của bé sáu tuổi.

Chiều cao, cân nặng của trẻ trở thành thước đo nuôi con tốt của nhiều phụ huynh (Ảnh minh họa: Internet)
Chiều cao, cân nặng của trẻ trở thành thước đo nuôi con tốt của nhiều phụ huynh (Ảnh minh họa: Internet)
Đau cơ tăng trưởng là bệnh lý rất hay gặp ở trẻ em, với những trẻ phát triển vượt chuẩn thì nguy cơ càng cao hơn. Đa phần cha mẹ chăm con theo độ tuổi, ít chú ý dinh dưỡng theo cân nặng hay chiều cao nên trẻ rất dễ bị thiếu chất. Trong đó, thiếu canxi làm cho hệ xương khớp không được bảo vệ vững chắc, trẻ nhỏ lại vận động nhiều nên việc bé bị đau nhức chân rất hay gặp.

Vì vậy, năng lượng cho bé lúc này phải 'đu' theo chiều cao, cân nặng thực tế để không bị thiếu dinh dưỡng, vi chất. Theo PGS-TS-BS Lê Bạch Mai - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có đến 50% trẻ em bị thiếu hụt vi chất, trong đó trẻ phát triển vượt chuẩn càng có nguy cơ cao hơn, bao gồm cả trẻ có chiều cao, cân nặng vượt trội so với cùng lứa tuổi. Thiếu chất làm cho sức đề kháng của trẻ suy giảm, trẻ dễ mắc bệnh cũng như bệnh lâu khỏi hơn.

Vượt chuẩn cân nặng: Nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch tiểu đường


Bên cạnh nhiều trẻ em thấp còi luôn là nỗi lo lắng, đau đầu của cha mẹ thì hiện nay, khi đời sống vật chất ngày một cao hơn, có không ít trẻ đạt cân nặng vượt trội so với chuẩn. Tâm lý thông thường của nhiều bà mẹ bỉm sữa là con phải mũm mĩm, tròn trịa.

Do đó, không ít bà mẹ rơi vào cảnh 'đánh vật' bữa ăn với con, cố nhồi nhét thêm miếng cháo, sữa, phô mai để bé được tăng cân - dù chỉ số cân nặng của con nằm trong chuẩn bình thường. Có người sợ ông bà nội chê dâu không biết nuôi con, có người sợ con mình thua con… hàng xóm.

Chị Đỗ Huyền T. (ở xã Phước Kiểng, H.Nhà Bè) thấy bé hàng xóm cùng ba tuổi rưỡi với con trai mình, nhưng nặng 20,5kg, còn con chị chỉ nặng… 18kg (đã vượt chuẩn, bằng số cân nặng chuẩn của bé bốn tuổi) thì rất xót con (!?).

Sự phát triển của trẻ phải được cân đối giữa chiều cao, cân nặng và độ tuổi (Ảnh minh họa: Internet)
Sự phát triển của trẻ phải được cân đối giữa chiều cao, cân nặng và độ tuổi (Ảnh minh họa: Internet)
Đã vậy, nhiều người vô tình so sánh 'bằng tuổi nhưng sao ốm hơn?' khiến chị tự ái, ra sức ép con ăn. Bữa ăn nào của bé cũng kèm theo nước mắt, quát nạt, thậm chí cả đòn roi. Vài tháng sau, con chị đã đạt mốc trên 20 ký, nhưng cậu bé hàng xóm cũng lên cân nên cuộc 'chạy đua cân nặng' của con chị vẫn chưa có điểm dừng, dù bé đã ngấp nghé ngưỡng béo phì.

Thực tế là khi nhắc đến béo phì các bà mẹ đều sợ vì hiểu được tác hại của căn bệnh này. Thế nhưng, hầu hết phụ huynh đều đánh giá béo phì bằng… cảm quan: chỉ khi nào trẻ béo ục ịch, bước đi nặng nề thì mới đáng lo.

Trong khi đó, béo phì ở trẻ em đang là vấn nạn thời hiện đại, dẫn đến biến chứng về tim mạch, huyết áp, tiểu đường… Béo phì còn khiến trẻ trở nên chậm chạp, tự ti, dẫn đến kết quả học tập sút kém.

Vì vậy, có một công thức chung mà các BS nhi thường nhắc nhở các bà mẹ nuôi con nhỏ: vượt chuẩn cân nặng = nguy cơ béo phì = nguy cơ tim mạch, tiểu đường. Khi trẻ bắt đầu vượt chuẩn về cân nặng, cha mẹ cần giám sát chặt chẽ, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của con, bởi con đường từ thừa cân dẫn đến béo phì rất gần. Nhiều nghiên cứu cho thấy, 80% trẻ béo phì khi còn nhỏ sẽ 'mập bền vững' đến lớn.

Trẻ phát triển vượt chuẩn là niềm vui, tín hiệu tốt về thể chất của bé sau này, tuy nhiên cha mẹ cần chú trọng vấn đề dinh dưỡng, hoạt động thể chất… nhằm giúp trẻ có sự phát triển hài hòa, cân đối và khỏe mạnh.

Theo Thùy Dương/Suckhoedoisong.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét